Với chi phí thấp, mang lại cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, hiệu quả đã được chứng minh bằng thực tế, đào tạo trực tuyến rất phổ biến ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore. Nhưng ở Việt Nam, việc ứng dụng đào tạo từ xa trong khối cơ quan nhà nước vẫn còn có độ trễ so với thế giới.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT trong đào tạo, trong đó nội dung thúc đẩy đào tạo trực tuyến, tận dụng hạ tầng băng thông rộng khắp của Việt Nam để phát triển, nhân rộng các hình thức học từ xa, học qua mạng. Bản thân Chương trình hành động của Chính phủ để đổi mới căn bản toàn diện nền Giáo dục – Đào tạo cũng yêu cầu phát triển một hệ thống đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ số – những hình thức giáo dục không chính quy để “tạo cơ hội cho mọi người ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, mọi nơi có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực”.
Đó là nhận định được nhiều diễn giả cùng chia sẻ khi tham gia Hội thảo “Giải pháp đào tạo trực tuyến E-Learning ứng dụng trong các cơ quan Quản lý Nhà nước, các Tập đoàn Kinh tế trọng điểm, tổ chức Ngân hàng Tài chính”, do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Công ty Trí Tuệ Nhân tạo AI tổ chức chiều 18/3 tại Hà Nội.
Nội dung Hội thảo xoay quanh các vấn đề về sự cần thiết ứng dụng CNTT trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo chỉ thị của Thủ Tướng của Chính Phủ; giải pháp đào tạo trực tuyến và kinh nghiệm triển khai thành công đào tạo trực tuyến tại một số cơ quan Quản lý nhà nước, các tổ chức ngân hàng, tài chính, cũng như các khuyến nghị, đề xuất để nhân rộng và đẩy mạnh mô hình này hơn nữa trong xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng một đội ngũ nhân lực không chỉ đông về số lượng mà còn mạnh về chất lượng. “Yếu tố quyết định thành công hay thất bại hiện nay chính là chất lượng và số lượng của nguồn nhân lực”, Thứ trưởng chỉ ra.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đặc biệt nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT trong đào tạo, trong đó có nội dung thúc đẩy đào tạo trực tuyến, tận dụng hạ tầng băng thông rộng khắp của Việt Nam để phát triển, nhân rộng các hình thức học từ xa, học qua mạng. Bản thân Chương trình hành động của Chính phủ để đổi mới căn bản toàn diện nền Giáo dục – Đào tạo cũng yêu cầu phát triển một hệ thống đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ số – những hình thức giáo dục không chính quy để “tạo cơ hội cho mọi người ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, mọi nơi có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực”.
“Đã có nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, trường đào tạo thành công trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Với vai trò là cơ quan QLNN trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng, tổ chức tài chính, kinh tế trong việc tổ chức, triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó có việc đẩy mạnh đào tạo trực tuyến, góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước trong những năm tới”, Thứ trưởng khẳng định.
Trong thời gian gần đây , đào tạo trực tuyến đã và đang được đẩy mạnh triển khai ứng dụng trong các trường đại học (Đại học Bách Khoa, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Ngoại thương, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa …), trong các cơ quan, tổ chức (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội), … Ngoài ra, đào tạo trực tuyến đã được triển khai ở hệ thống nhiều ngành ngoài hệ thống giáo dục như Ngân hàng (VietinBank, VPBank, VIB,…), Doanh nghiệp viễn thông (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Công ty VMS, Công ty Vinaphone; …) .
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin (Bộ Nội vụ) vẫn cho rằng, đào tạo trực tuyến tại Việt Nam mới chủ yếu được ứng dụng nhiều, ứng dụng mạnh trong đối tượng học sinh – sinh viên. Còn khối công chức, cán bộ Nhà nước vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp đào tạo truyền thống. “Điều này cũng dễ hiểu vì khối Cơ quan Nhà nước thường có độ trễ so với xã hội. Tuy nhiên, giờ đã là thời điểm phù hợp để thúc đẩy e-learning”, ông Bình nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ nội vụ đã triển khai đào tạo trực tuyến thí điểm cho hơn 200.000 cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Kiên Giang. Việc lựa chọn hình thức đào tạo này, theo ông Bình, xuất phát từ thực tế số lượng cán bộ cần đào tạo rất đông mà ngân sách thì ngày càng bị thu hẹp. Tất nhiên, việc đào tạo trực tuyến cũng vấp phải những khó khăn ban đầu như mức độ truy cập Internet còn thấp (tối đa chỉ khoảng 77% ở các xã thí điểm), mỗi xã chỉ bố trí được từ 7-8 máy tính, trình độ CNTT của các cán bộ, công chức không đồng đều.
Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn đủ khả quan để Bộ Nội vụ báo cáo Phó Thủ tướng, đề xuất kể từ nay sẽ chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng bằng hình th trực tuyến đối với cán bộ công chức cấp xã, tiến tới mở rộng ra tất cả các cán bộ, công chức trên cả nước, ông Bình cho hay.