Khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động đã và đang là lĩnh vực được quan tâm và tạo ra nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế và cộng đồng. Tuy nhiên tại Việt Nam lĩnh vực này vẫn chưa thực sự được nở rộ.
Một trong những nguyên nhân chính là do các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp này tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo một báo cáo của GSEN (Mạng lưới Khởi nghiệp Xã hội Toàn cầu), các quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khởi nghiệp sáng tạo như Anh, Mỹ, Canada, Israel, Singapore đều gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp tạo tác động xã hội, phát triển kinh doanh từ việc khai thác những vấn đề cấp thiết của xã hội.
Những doanh nghiệp này không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn tạo tác động tích cực đến cộng đồng. Theo đó, hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp thu được lợi nhuận, tốc độ phát triển lên đến 80% và đa phần đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Các ý tưởng kinh doanh đến từ việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất phân bón tự nhiên, tạo cơ hội việc làm cho người nội trợ thất nghiệp hoặc những mô hình giáo dục sáng tạo để phát triển tiềm năng của trẻ em…
Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp xã hội và các doanh nghiệp có liên quan đến yếu tố xã hội ở Việt Nam vào khoảng 50.000. Tuy nhiên, đóng góp của những doanh nghiệp xã hội nói chung và doanh nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng vào GDP thì chưa có thống kê cụ thể.
Theo những người trong cuộc, hạn chế của khu vực doanh nghiệp này tại Việt Nam hiện tại vẫn đang dừng lại ở các doanh nghiệp xã hội với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, các yếu tố xã hội và phát triển bền vững được lồng ghép vào công việc kinh doanh nhiều hơn là thực sự có những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội nổi bật.
Các chuyên gia cũng đánh giá, số lượng những doanh nghiệp đi theo hướng tiếp cận này ở Việt Nam vẫn rất hạn chế mặc dù tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn.
Cần các cơ chế khuyến khích đặc thù
Trong khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã và đang dần hoàn thiện, vẫn còn thiếu vắng chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động.
Tại hội nghị chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, ông Lương Văn Thường, Trưởng phòng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp tạo tác động hiện nay có thể chia thành 3 nhóm chính.
Thứ nhất là nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tác động đến các tổ chức hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ hai là nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tác động đến thị trường cho doanh nghiệp Khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba là nhóm chính sách hỗ trợ, tác động đến văn hóa khởi nghiệp.
Ông Thường cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động phát triển, cần thiết lập các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội, đặc biệt là các vấn đề về tiếp cận vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng quy mô thị trường…
“Từ đó, sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp có các dự án tạo tác động tham gia các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp thông qua việc đặt đề bài khởi nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề về môi trường, giáo dục, y tế, nông nghiệp… đồng thời phát triển mạng lưới cho nhóm khởi nghiệp tạo tác động để có được sự hỗ trợ bền vững từ các cố vấn, huấn luyện viên, nhà đầu tư…”, ông Thường nói.
Các chuyên gia tham gia hội nghị này cũng đều nhận định, một trong những khó khăn trong việc hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động là sự thiếu vắng bộ tiêu chí đánh giá yếu tố tạo tác động của doanh nghiệp khởi nghiệp bởi hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong đó, quan điểm tạo tác động hiện nay đã được mở rộng và được hiểu linh hoạt hơn so với trước đại dịch Covid-19. Do đó, rất cần có khái niệm cũng như tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động một cách chuẩn tương đối để xác định các đối tượng thụ hưởng các biện pháp hỗ trợ.
Chuyên gia Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Dr. SME, từ góc độ của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động có nhu cầu được hỗ trợ không chỉ về vốn mà còn có nhu cầu được hỗ trợ về mặt kỹ thuật như chuyên gia đào tạo, tư vấn, mentor, mạng lưới khách hàng, kênh tiêu thụ sản phẩm… Do đó, các chính sách cần xuất phát từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả của chính sách.
Từ góc độ UNDP, một tổ chức đóng góp tích cực cho việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động, bà Nguyễn Như Quỳnh, chuyên gia phân tích Chương trình UNDP cho rằng, bên cạnh việc xây dựng bộ tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động, cần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp vào các Chương trình hỗ trợ của Đề án 844 & các chương trình hỗ trợ có liên quan.
Còn theo PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động, rất cần có chính sách cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động bởi đây là những tổ chức hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động: tư vấn pháp lý, đào tạo, coaching, mentor, kết nối mạng lưới chuyên gia, kết nối thị trường.
Tìm hiểu chương trình MBA chuyên ngành Khởi sự Doanh nghiệp.