CÁC PHƯƠNG PHÁP THƯỜNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU KINH TẾ

Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả và chất lượng của một bản nghiên cứu kinh tế đó là phương pháp mà người nghiên cứu sử dụng. Trên thực tế, đối với các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, không có phương pháp nào được coi là hiệu quả tuyệt đối hay áp dụng được cho tất cả các đề tài. Việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp phụ thuộc vào sự hiểu biết của người nghiên cứu và đặc điểm của đề tài đang thực hiện.

Trong nghiên cứu kinh tế, có nhiều phương pháp được sử dụng để thu thập và phân tích dữ liệu

Phân loại theo phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu

1. Phương pháp định tính

Trong phương pháp này, nhà nghiên cứu thường đưa ra các nhận định tri thức chủ yếu dựa vào các quan điểm. Ví dụ như các kinh nghiệm của nhiều cá nhân, các quan điểm dựa trên hiện tượng thực tế hoặc từ sự kiện lịch sử. Phương pháp này sử dụng các chiến lược tìm hiểu như tường thuật, hiện tượng học, dân tộc học, nghiên cứu lý thuyết cơ sở hay nghiên cứu tình huống. Nhà nghiên cứu thu thập những thông tin mới xuất hiện, có kết thúc mở với dự định triển khai các chủ đề từ số liệu.

2. Phương pháp định lượng

Trong phương pháp này, nhà nghiên cứu chủ yếu sử dụng các nhận định hậu thực chứng để triển khai tri thức. Tức là sử dụng tư duy nguyên nhân – kết quả, thu gọn thành các biến số cụ thể, các câu hỏi và giả thiết nghiên cứu, sau đó sử dụng các đại lương đo lường và quan sát để kiểm định các giả thiết đó.

Phân loại theo Logic suy luận

1. Phương pháp diễn dịch

Phương pháp diễn dịch đi từ cái tổng quát đến cái cụ thể. Từ một lý thuyết, người nghiên cứu có thể suy ra được một cách logic những sự kiện đang diễn ra xung quanh. Phương pháp diễn dịch là một hình thức tranh luận mà mục đích của nó là đi đến kết luận. Kết luận nhất thiết phải là hệ quả của các lý do cho trước. Các lý do này dẫn đến kết luận và thể hiện qua các minh chứng cụ thể. Để một suy luận mang tính diễn dịch là đúng thì phải thõa mãn hai điều kiện: Đúng và Hợp lệ.

  • Đúng: Tiêu đề (lý do) cho trước đối với một kết luận phải đúng với thế giới thực.
  • Hợp lệ: Kết luận nhất thiết phải đi theo tiền đề.

Trong một nghiên cứu, phương pháp diễn dịch được thể hiện qua ba bước:

Bước 1: Phát biểu một giả thiết (dựa trên lý thuyết hay tổng quan nghiên cứu).

Bước 2: Thu thập dữ liệu để kiểm định giả thiết.

Bước 3: Ra quyết định chấp nhận hay bác bỏ giả thiết đó.

2. Phương pháp quy nạp

Phương pháp quy nạp hoàn toàn khác với diễn dịch. Trong quy nạp, không có mối quan hệ chặt chẽ giữa các lý do và kết quả. Một kết luận được rút ra từ một hoặc nhiều hơn minh chứng cụ thể. Các kết luận này giải thích cho thực tế và thực tế ủng hộ các kết luận này.

Khi quan sát một số trường hợp cụ thể, ta có thể đưa ra một nhận định tổng quát về toàn bộ các trường hợp đó. Cách thức đi từ trường hợp cụ thể đến lý thuyết tổng quát chính là chiều hướng của logic quy nạp. Nhiều lý thuyết được phát triển thông qua phép quy nạp. Các sự kiện được quan sát nhiều lần có thể được ghi nhận như một mô hình, lý thuyết sẽ mô tả và cố gắng giải thích những mô hình như thế.

Trên thực tế, nghiên cứu khoa học sử dụng cả hai phương pháp diễn dịch và quy nạp. Phương pháp quy nạp đi theo hướng từ dưới lên phù hợp để xây dựng các lý thuyết và giả thiết.  Trong khi đó phương pháp diễn dịch đi theo hướng từ trên xuống, phù hợp để kiểm định các lý thuyết và giả thiết.

Phân loại theo cách thức thu thập thông tin

Thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học,đây vừa là “nguyên liệu” vừa là “sản phẩm” của quá trình nghiên cứu. Thông tin giúp cho nhà nghiên cứu biết được vấn đề nào đã được nghiên cứu. Thông qua quá trình tham khảo kết quả của những nghiên cứu đi trước, nhà nghiên cứu sẽ không mất thời gian và tiền bạc để nghiên cứu lại. Những thông tin là “sản phẩm” của quá trình nghiên cứu sẽ đóng vai trò đóng góp mới cho các nghiên cứu hiện tại hoặc bổ sung vào các lý thuyết đã có.

Phân loại theo cách thức thu thập thông tin, có 5 phương pháp chính bao gồm:

1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu

Phương pháp nghiên cứu tài liệu được sử dụng đầu tiên khi người nghiên cứubắt đầu tiếp cận đề tài nghiên cứu. Mục đích của phương pháp là để thu thập các thông tin liên quan đến cơ sở lý thuyết của đề tài, kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài đã được công bố, chủ trương chính sách liên quan đến đề tài và các số liệu thống kê. Các bước nghiên cứu tài liệu thường trải qua ba bước: thu thập tài liệu, phân tích tài liệu và trình bày tóm tắt nội dung các nghiên cứu trước đó.

2. Phương pháp phi thực nghiệm

Là phương pháp thu thập thông tin trực tiếp từ đối tượng khảo sát nhưng không tác động lên đối tượng. Bao gồm các phương pháp:

  • Phương pháp quan sát: Nhà nghiên cứu tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thực tế để thu thập số liệu, thông qua phương tiện quan sát trực tiếp như nghe, xem hoặc sử dụng các phương tiện ghi âm ghi hình. Phương pháp này có ưu điểm là giúp ghi nhận sự việc đang xảy ra một cách trực tiếp, ít tốn kém và ít gây phản ứng từ đối tượng khảo sát. Tuy nhiên nhược điểm đó là khó lượng hóa số liệu và khó thực hiện trên quy mô lớn.
  • Phương pháp phỏng vấn: Là phương pháp đưa ra những câu hỏi đối với người đối thoại để thu thập thông tin. Các hình thức phỏng vấn bao gồm phỏng vấn phát hiện, phỏng vấn sâu, phỏng vấn chuẩn bị trước, không chuẩn bị trước, phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn gián tiếp. Phương pháp này có ưu điểm đó là linh hoạt, mềm dẻo, người nghiên cứu có thể quan sát được những ứng xử không lời và có thể kiểm soát được bối cảnh phỏng vấn. Tuy nhiên nhược điểm đó là tốn kém thời gian, công sức, khó triển khai trong các nghiên cứu diện rộng và dễ ảnh hưởng bởi quan điểm, định kiến của người phỏng vấn.
  • Phương pháp điều tra bảng hỏi: Đây thực chất cũng là một hình thức phỏng vấn nhưng tuân thủ các câu hỏi cố định trong bảng hỏi. người nghiên cứucó thể hỏi trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua thư tín. Mỗi hình thức điều tra lại có một ưu điểm và nhược điểm khác nhau (dẫn link bài bảng hỏi khảo sát).
  • Phương pháp hội nghị: Trong phương pháp này, người nghiên cứu sẽ đưa câu hỏi cho một nhóm chuyên gia thảo luận tài các hội nghị khoa học. Ưu điểm của phương pháp này là có thể nghe được ý kiến tranh luận từ các chuyên gia. Tuy nhiên nhược điểm đó là người quan sát dễ bị chi phối bởi những người có tài hùng biện, ngụy biện, có uy tín khoa học hoặc có địa vị xã hội cao.

3. Phương Pháp thực nghiệm

Đây là phương pháp thu thập thông tin được thực hiện bởi những quan sát trong điều kiện gây biến đổi đối tượng khảo sát và môi trường xung quanh. Phương pháp thực nghiệm được dùng trong nhiều tình huống như kiểm chứng giải pháp giả thuyết; Lặp lại giải pháp trong quá khứ…

Phương pháp thực nghiệm bao gồm Phương pháp thực nghiệm thử và sai, phương pháp thực nghiệm phân đoạn (Heuristic) và Phương pháp thực nghiệm trên mô hình.

Trong nghiên cứu kinh tế học, phương pháp thực nghiệm ít phổ biến, thay vào đó là phương pháp phi thực nghiệm.

Tài liệu tham khảo:

Creswell, J. W. 2011, Research Method, Fullbright Program.

Nguyen, N. D. 2014, Phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Tran, T. K. X., Tran, T. B. L. 2012, Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Đại học khoa học xã hội và nhân văn.

Tran, T. K., Truong, D. T., Luong, V. Q. D., Nguyen, T. S. A., Nguyen, H. L. 2009. Phương pháp nghiên cứu kinh tế, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Tran, T.L.H. 2014, Phương pháp nghiên cứu kinh tế, Đại học kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xem thêm: Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh


Chat tư vấn

Chuyên ngành MBA

Đăng ký tư vấn